Cởi “tấm áo hẹp” doanh nghiệp Nhà nước, Vinamilk thành doanh nghiệp tỷ đô
Muốn biết Vinamilk thành công thế nào, hãy hỏi trẻ em Việt!
Vinamilk hái “trái ngọt”, khẳng định thương hiệu trên “bản đồ sữa” thế giới
Niềm vui của hơn 1000 trẻ em nghèo An Giang được uống sữa miễn phí
Vinamilk làm nên lịch sử tại FAB 50 Forbes châu Á
Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ nhiều lần khẳng định đã, đang và sẽ tập trung vào cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp Nhà nước tập trung hơn vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu. Riêng trong năm 2015, đã có đến 200 doanh nghiệp được cổ phần hóa.
Điều này đặc biệt đúng với trường hợp của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Cởi "tấm áo hẹp" của doanh nghiệp Nhà nước, cổ phần hóa đã giúp doanh nghiệp này tăng vọt về vốn điều lệ, doanh thu, lợi nhuận. Đến nay, đây cũng là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán với khoảng 9,2 tỷ USD.
Nhìn lại quá trình cổ phần hoá của Vinamilk cho thấy, ngay từ năm 1986 - những ngày đầu của thời kỳ đổi mới, Vinamilk là doanh nghiệp đi đầu trong việc không chấp nhận liên doanh, chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam. Một sự khẳng định cho việc mong muốn tự chủ và giữ gìn thương hiệu Việt Nam.
Chính từ chủ trương đó mà Vinamilk đã trở thành một doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, luôn luôn tự chủ trong các hoạt động của mình. Cho đến những năm 2000, khi Chính phủ ra chính sách về việc cổ phần hóa, Vinamilk lại trở thành doanh nghiệp đi đầu và mang lại hiệu quả rất lớn.
Vinamilk bắt đầu thực hiện cổ phần hóa từ tháng 12/2003, với việc sáp nhập Nhà máy sữa Sài Gòn (SAIGONMILK), vốn điều lệ của công ty lúc này đạt 1.590 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/10/2005, Nhà nước nắm tỷ lệ chi phối 60,47% cổ phần tại Vinamilk nhưng chỉ sau gần 2 tháng, con số này giảm xuống còn 50,01%. Thông qua các lần tăng vốn, cho tới hiện tại, vốn Nhà nước tại đây còn 45%, không còn nắm quyền chi phối.
Sau hơn 10 năm cổ phần hoá, không chỉ trở thành công ty có vốn hoá lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, Vinamilk còn có vốn chủ sở hữu và tổng tài sản tăng trưởng gấp 10 lần
Vinamilk là doanh nghiệp hiếm hoi trên thị trường đạt tăng trưởng doanh thu mỗi năm khoảng 20% bất chấp những biến động lớn của nền kinh tế trong nước và toàn cầu. Từ mức chưa đầy 4.250 tỷ đồng năm 2004, Vinamilk thành doanh nghiệp đạt tỷ USD doanh thu vào năm 2011 và cán ngưỡng gần 1,5 tỷ USD vào năm ngoái. Sau 10 năm cổ phần hóa, doanh thu tăng 8,3 lần, đạt hơn 35.000 tỷ đồng năm 2014.
Bước ngoặt thoái vốn của Nhà nước và sớm lên sàn chứng khoán đã khiến Vinamilk nhanh chóng có thêm đông đảo các nhà đầu tư khác. Đặc biệt, Vinamilk cũng là một trong những số ít luôn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Trên thị trường chứng khoán, room ngoại của cổ phiếu công ty luôn trong tình trạng lấp đầy suốt nhiều năm.
Ngày 8/10/2015, Chính phủ đã quyết định thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Vinamilk. Với con số ước tính lên đến 2,5 tỷ USD thu về cho Nhà nước ngay khi bán hết vốn còn lại tại Vinamilk hiện nay (45%), thì gần như không có doanh nghiệp nào của Việt Nam đạt nổi.
Đặc biệt trong bối cảnh ngân sách quốc gia đang rất căng thẳng thì khoản tiền này càng ý nghĩa. Việc Vinamilk hoạt động hiệu quả trong quá trình cổ phần hóa không chỉ mang lại sự phát triển cho Vinamilk mà còn đóng góp vào ngân sách Nhà nước và những chính sách xã hội khác.
Đánh giá về mục tiêu cổ phần hoá, Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên từng cho biết, cổ phần hoá sẽ nâng cao tính tự chủ của các doanh nghiệp. Khi đó, các cổ đông sẽ là những người có trách nhiệm với đồng vốn của mình và sẽ có những chiến lược, quyết sách tốt, thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp Nhà nước đang hoạt động yếu kém rất cần tiến hành nhanh cổ phần hoá để tạo ra cơ chế thông thoáng cho Hội đồng quản trị định hướng chiến lược và quản trị doanh nghiệp. Nhiều khi có những vấn đề cần phải quyết trong ngày. Việc này sẽ thực hiện ngay được ở doanh nghiệp cổ phần nhưng nếu là doanh nghiệp Nhà nước thì cần phải qua những quy trình xin ý kiến tốn kém thời gian, từ đó mất cơ hội trong kinh doanh”, bà Liên chia sẻ.
Bình luận của bạn